- Kịch bản phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" được đạo diễn Đặng Nhật Minh viết từ chính nỗi đau thương mất mát từ gia đình của ông – nỗi đau chung của cả dân tộc, của hàng vạn, hàng triệu người có người thân ngã xuống trong chiến tranh.
(ĐCSVN) - Kịch bản phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" được đạo diễn Đặng Nhật Minh viết từ chính nỗi đau thương mất mát từ gia đình của ông – nỗi đau chung của cả dân tộc, của hàng vạn, hàng triệu người có người thân ngã xuống trong chiến tranh.
Duyên – nhân vật chính - sau khi đi thăm chồng ở miền Nam trở về với tin dữ: chồng chị đã hy sinh. Quá tuyệt vọng và mệt mỏi bởi cuộc hành trình Nam Bắc, chị đã ngã từ trên đò xuống sông nhưng được người thầy giáo làng tên là Khang cứu vớt. Không muốn dập tắt hy vọng con trai sẽ sống sót trở về của ông bố chồng đang lâm bệnh, chị đành chịu đựng nỗi đau một mình và yêu cầu anh Khang giữ kín chuyện này. Chị nhờ anh Khang viết những bức thư giả làm thư của chồng chị gửi từ chiến trường ra để mong làm yên lòng gia đình. Cảm động trước sự hy sinh, chịu đựng của Duyên, Khang đã dần dần nảy sinh tình cảm với Duyên, anh viết một bức thư thổ lộ tình cảm của mình. Nhưng chẳng may bức thư đó lọt vào tay người chị dâu và mọi chuyện vỡ lở ra cả làng. Khang phải chuyển đi dạy ở nơi khác để tránh điều tiếng dị nghị cho Duyên. Duyên ở lại âm thầm chịu đựng nỗi đau cho đến khi ông bố chồng ốm nặng sắp ra đi. Ông bắt cô phải đánh điện gọi con trai trở về. Thấy Duyên luống cuống không biết giải thích thế nào cho thỏa đáng, cậu con trai đã tự ý bỏ lên bưu điện huyện để đánh điện tín. Trên đường đi, cậu xin đi nhờ một chiếc ô tô chở bộ đội, biết được câu chuyện của gia đình cậu bé và biết rõ bố cậu đã hi sinh, họ quay trở lại làng. Chiếc xe về đến nhà Duyên đúng lúc người bố trút hơi thở cuối cùng với niền tin là con trai đã trở về. Câu chuyện được làm rõ, lúc bấy giờ mọi người mới biết nỗi oan khuất của Duyên. Khang được minh oan, Duyên mong Khang trở lại nhưng anh đã ra đi.
Diễn viên Lê Vân (vai Duyên) trong "Bao giờ cho đến tháng 10"
Ảnh: VNChannel
Nỗi đau của chiến tranh trong "Bao giờ cho đến tháng Mười" được Đặng Nhật Minh thể hiện bắt đầu từ sự hi sinh của người chồng Duyên. Anh chỉ hiện lên qua những bức ảnh hoặc những đoạn hồi tưởng hay những giấc mơ. Những đoạn hồi tưởng đó cứ chập chờn, bất chợt hiện lên, đột ngột đan xen với những sự kiện diễn ra trong phim. Nỗi đau đó càng được nhân lên trong hoàn cảnh gia đình của Duyên: bố chồng ốm nặng và chỉ mong có một ngày sẽ được gặp con trai. Nếu nhận được tin con đã hy sinh, rất có thể ông sẽ ra đi trong đau đớn và tuyệt vọng. Trong hoàn cảnh ấy, những phẩm chất tốt đẹp vốn có của người phụ nữ Việt Nam trong Duyên được bộc lộ. Cô chấp nhận chịu đựng nỗi đau ấy một mình, trong nỗi cô đơn không biết chia sẻ cùng ai. Những cảm xúc cứ đè nén ngày càng một nặng nề hơn trong tâm hồn người phụ nữ trẻ. Đặng Nhật Minh đã đẩy nỗi đau đó lên tới đỉnh điểm khi để cho người chị dâu vô tình bắt được lá thư bày tỏ tình cảm của Khang. Chính điều đó đã đẩy Duyên vào một hoàn cảnh thật trớ trêu: cô không thể giải thích rằng chồng mình đã hy sinh, đồng thời lại phải gánh chịu thêm búa rìu của dư luận, đi đến đâu, dân làng cũng xua đuổi và lánh xa cô như họ vừa gặp mội con hủi. Bởi, trong bối cảnh thời bấy giờ thì việc một người phụ nữ có chồng đi bộ đội mà lại quan hệ bất chính với một người đàn ông khác là không thể chấp nhận.
Công bằng mà nói, đáng lẽ Duyên chỉ phải chịu đựng duy nhất nỗi đau mất chồng và có thể thời gian rồi cũng sẽ làm dịu đi nỗi đau đó. Nhưng với nhân vật Duyên, nỗi khổ tâm đó ngày đêm dằn vặt bởi sự " lừa dối" của mình. Nhưng , chìm trong hoàn cảnh đau thương ấy, những đức tính tốt đẹp của Duyên càng được bộc lộ rõ nét. Cô âm thầm chịu đựng tất cả những lời đay nghiến, chỉ trích của gia đình và xóm làng mà không một lời thanh minh.
Sự tinh tế trong cách xử lí những mâu thuẫn trong cốt truyện của Đặng Nhật Minh đã giúp ông đạt được thành công trong việc khắc họa nỗi đau vô hình chiến tranh mà chiến tranh để lại và xây dựng nên một hình tượng điển hình về người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất cao đẹp.