Results (
English) 1:
[Copy]Copied!
đoạn Lời Chúa trong Tin Mừng Mc 10:2-12 thuật lại câu chuyện những người Pharisêu đến hỏi Đức Giêsu về việc Ly Dị trong đời sống Hôn Nhân. Và Đức Giêsu khẳng định rằng "Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly" (Mc 10:9). Vì lẽ đó, vào thời đại này, chúng ta có thể đặt câu hỏi trước Đức Giêsu rằng "Chúa ơi, làm thế nào để các cặp vợ chồng không ruồng rẫy nhau, không xa cách nhau?"; nhờ đó, họ sống đời Hôn Nhân Gia Đình tốt hơn hoặc có thể giúp cho các cặp vợ chồng đang gặp những khủng hoảng hoặc đổ vỡ trong đời sống Hôn Nhân đủ niềm tin và sức mạnh vượt thắng những khủng hoảng, và khôn ngoan, tinh tế hàn gắn những đổ vỡ trong các mối tương quan của họ.Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để nhờ ơn Chúa soi sáng, chúng ta tìm ra những nguyên nhân và cách thức khắc phục những sự cố không đáng có đã và đang xảy ra trong đời sống Hôn Nhân Gia Đình.Ngoài những yếu tố về sự kém hiểu biết tâm sinh lý và Giáo Lý Hôn Nhân trong đời vợ chồng, còn những nguyên nhân nào khác dẫn tới tình trạng các cặp vợ chồng ruồng rẫy nhau, xa cách nhau? Có nhiều người cho rằng vợ chồng không thể thiếu quan hệ xác thịt với nhau. Như thế, nếu một trong hai người làm việc mệt mỏi, đau bệnh, có khi bác sĩ khuyên không nên quan hệ vợ chồng... thì Hôn Nhân của họ sẽ đổ vỡ, một trong hai người sẽ ngoại tình? Trong đời Hôn Nhân, phải chăng chỉ có yếu tố dục tính là quyết định tất cả? Tất nhiên, nhiều người cho rằng Tình Yêu của vợ chồng dành cho nhau là quan trọng nhất. Tuy nhiên, chỉ có Tình Yêu thôi sao? Tình Yêu đôi khi chỉ có tính hình thức, là câu nói cửa miệng, chứ sống tình yêu và thể hiện tình yêu bằng hành động cụ thể thì khó hơn nhiều!
Trong Hôn Nhân, tình yêu vợ chồng không chỉ thể hiện bằng hành động quan hệ xác thịt, nhưng còn bằng những lời nói và cử chỉ ấu yếm yêu thương, bằng sự cảm thông, tha thứ và đồng cảm, bằng sự hy sinh và san sẻ trách nhiệm. Thực tế, đây vẫn là những điều thuộc phạm trù lý thuyết. Để thực tế hóa đời Hôn Nhân Kitô giáo, người ta cần chiêm ngắm Thiên Chúa là nguồn mạch của tình yêu được thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu. Đức Giêsu chính là nhân tố quan trọng nhất và quyết định sự hạnh phúc của đời Hôn Nhân Gia Đình. Hãy chiêm ngắm Đức Giêsu trên thập giá. Tình yêu của Đức Giêsu được thể hiện bằng hành động cụ thể. Hành động yêu thương và tha thứ của Đức Giêsu dành cho Hiền Thê của Người là sẵn sàng chịu đau khổ, chịu sỉ nhục, bị tước hết tự do và danh dự, và chịu chết treo trên thập giá cùng với lời yêu thương, tha thứ. Tình yêu vợ chồng trong đời sống Hôn Nhân Gia Đình cần học hỏi và sống tình yêu của Đức Giêsu, nghĩa là người vợ hoặc người chồng sẵn sàng hy sinh bản thân cho người bạn đời của mình, bù khuyết những giới hạn của nhau, chịu nhịn nhục và khổ đau cũng như tha thứ cho người mình yêu khi họ sai lầm và phạm tội, quên đi tự do cá nhân và danh dự bản thân để bảo vệ bạn đời và giúp bạn đời được thăng tiến, v.v.. Tóm lại, đời sống Hôn Nhân Gia Đình thiếu vắng Chúa Giêsu, không dám đặt Chúa Giêsu vào giữa các mối tương quan của họ, v.v. thì cuộc sống ấy sẽ chất chứa nhiều phàm tục và xác thịt hơn là thánh thiêng, tự nhiên hơn là siêu nhiên, và sớm muộn cũng sẽ bị khủng hoảng, đổ vỡ.
Vấn đề về Hôn Nhân Gia Đình trong thế giới hôm nay ngày càng trở nên phức tạp và thách đố. Các cuộc rạn nứt và đổ vỡ trong đời sống hôn nhân và tương quan vợ chồng ngày càng nhiều. Giáo hội rất quan tâm vấn đề này, thậm chí Giáo hội còn chuẩn bị cho con cái mình những tri thức cơ bản về đời sống Hôn Nhân Kitô giáo và tổ chức các khóa thăng tiến Hôn Nhân Gia Đình đây đó trong các Giáo xứ Giáo họ. Gần đây Giáo hội, đặc biệt qua Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ĐTC Bênêđictô XVI và ĐTC Phanxicô, còn khẳng định rằng Giáo hội không bỏ rơi những người bị đổ vỡ trong đời sống hôn nhân và những ai sống trong tình trạng hôn nhân bị đổ vỡ (ly dị) thì không bị dứt phép thông công. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Giáo hội cổ võ con cái mình ly dị, ngược lại Giáo hội muốn những ai đã lỡ ly dị nhận thấy rằng họ không bị bỏ rơi. Có những tình trạng ly dị vì để bảo vệ sự sống của bản thân (như chồng đe dọa tước tính mạng của vợ), của con cái (chồng/vợ phá nát tài sản của nhau hoặc không làm gương sáng cho con cái, hoặc hãm hại con cái), v.v.. Nói chung, theo Tin Mừng hôm nay, ông Môsê "cho phép" ly dị, nghĩa là trong trường hợp nào đó thì được "miễn trừ" thi hành luật; nhưng đối với Chúa Giêsu, việc ly dị là trái với lề luật. Người không hủy bỏ lề luật nhưng kiện toàn lề luật, và Người còn dẫn chứng Kinh Thánh để chứng minh cho lập luận của Người (x. Mc 10:7-8).
Tóm lại, Hôn Nhân Kitô Giáo mời gọi mọi người sống theo mẫu gương của gia đình Nadarét của Chúa Giêsu, Thánh Gia nghèo khổ nhưng luôn có Chúa ở giữa, hướng đến sứ mạng cao cả của Chúa và bảo vệ nhau để xây đắp vương quốc Thiên Chúa giữa cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn sống trung tín với nhau và với Chúa cho các đôi vợ chồng, sống tràn đầy tình yêu dành cho nhau như tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta vậy, một tình yêu hệ tại ở hành động hơn là lời nói, những hành động chan chứa sự hy sinh, cảm thông, nhân ái, gánh vác trách nhiệm cho nhau và bổ túc những khiếm khuyết của nhau. Dưới đây là một câu chuyện minh họa cho tình yêu vợ chồng, gia đình, bạn hữu:
Có một người mù và một người què lạc vào trong rừng sâu. Bỗng nhiên, khu rừng bị cháy. Người mù ngửi thấy mùi cháy thì sợ hãi và lao mình bỏ chạy. Thế nhưng, hướng chạy thoát thân của người mù lại là hướng của đám cháy rừng. Thấy vậy, người què la lớn và bảo người mù đi hướng khác để không bị cháy. Biết thế, nhưng người mù cũng không thể đoán được hướng đi an toàn khi mũi anh ngửi thấy toàn mùi cháy. Vì thế, anh què mới bảo anh mù rằng "nếu anh cõng tôi trên lưng, tôi sẽ chỉ cho anh biết hướng đi thoát thân an toàn, vì tuy tôi không đi được nhưng tôi thấy được; còn anh thì đi được nhưng không thấy được". Anh mù đồng ý với sang kiến của anh què. Thế là cả hai thoát nạn. (Thật thế, nếu tình yêu con người thể hiện bằng hành động cụ thể, một hành động hỗ tương và bổ khuyết cho nhau, thì tình yêu ấy dẫn tới sự sống!)
Being translated, please wait..
